Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục?

Chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào đã gây áp lực để thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia cũng như triết lý giáo dục một cách toàn diện như trí tuệ nhân tạo.

Trong tuần qua báo chí VN đăng hàng loạt tin về công cụ phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT với những chức năng vượt trội cùng với những lời cảnh báo cho một tương lai đầy bất ổn, đặc biệt là cho thị trường lao động.

Xem thêm bài viết : Công nghệ điện toàn đám mây

Khi có một phát minh công nghệ có tính cách mạng thì nó mang lại thay đổi lớn trong môi trường sống, môi trường làm việc và thị trường lao động như máy chạy hơi nước, điện, máy tính, internet. Tuy nhiên chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào đã gây áp lực để thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia cũng như triết lý giáo dục một cách toàn diện như trí tuệ nhân tạo (AI).

Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục ? - Ảnh 1.

ChatGPT truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần

N.A

Khi ChatGPT viết một bài luận hay hơn con người có thể viết

Để phát triển kinh tế và xã hội, con người cần phải giải quyết các vấn đề trong công việc, cuộc sống và đưa ra giải pháp. Các vấn đề này được phân loại theo ngành nghề để dễ đào tạo. Năng lực lao động của một người là khả năng đề xuất và triển khai giải pháp cho các vấn đề trong ngành nghề đó một cách chính xác và hiệu quả. Để làm được việc đó thì người lao động cần có kiến thức (nhớ, truy cập, tích hợp, phân tích và sử dụng) để giải quyết vấn đề. Nếu vấn đề đủ lớn thì cần sự phối hợp của nhiều người. Nếu đứng ở góc độ cá nhân thì xưa nay các hệ thống giáo dục quốc gia đặt nặng vấn đề nhớ và truy cập kiến thức vì nó là điều kiện cần cho giải quyết vấn đề. Do đó, nhiều hệ thống giáo dục đặt nặng việc học thuộc lòng và trả bài trong các kỳ thi cử. Với sự xuất hiện của internet, việc lưu trữ và truy cập kiến thức không còn quá quan trọng cho con người trong việc giải quyết vấn đề.

Với công cụ tìm kiếm như Google thì con người cần khả năng tích hợp, phân tích và sử dụng kiến thức nhiều hơn khi cần giải quyết vấn đề. Nói một cách khác, khả năng giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn và nhanh hơn khi con người có thể truy cập và tích hợp kiến thức phong phú từ trên mạng hơn là dựa vào trí nhớ của mình. Do đó việc học thuộc lòng và nhớ không còn cần thiết.

Giờ đây công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần. Ngoài ra, nó còn có khả năng đánh giá tính phù hợp và sáng tạo trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Tôi làm một ví dụ yêu cầu ChatGPT viết một bài luận để làm hồ sơ xin học ngành công nghệ thông tin AI ở đại học Mỹ dựa trên một số yếu tố cá nhân tôi nêu qua những gạch đầu dòng. ChatGPT viết một bài luận hay hơn khả năng tôi có thể viết. Điều ngạc nhiên qua kiến thức về những bài tự luận mà nó đã học, nó đánh giá thông tin về việc tôi giỏi toán không đủ mạnh. Nó tự chế ra một yếu tố hoàn toàn giả tạo nhưng có khả năng tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xin vào đại học cho tôi.

Như thế việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì trách nhiệm của con người giờ chỉ còn đánh giá các giải pháp mà AI đề xuất, yêu cầu AI thay đổi và hoàn chỉnh sau đó quyết định sử dụng hay triển khai. Còn các vấn đề khác thì AI có thể hoàn tất hiệu quả và nhanh chóng hơn con người nhiều.

 

Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục ? - Ảnh 2.

Trang chủ công cụ ChatGPT đang gây “sốt” trên toàn cầu

CHỤP MÀN HÌNH

Con người nên học gì, học thế nào ?

Vậy thì con người nên học gì, học như thế nào, và đánh giá năng lực lao động hay học tập của con người như thế nào? Đây là một bài toán khó cho giới học thuật trên toàn thế giới.

Hiện tại một số đại học Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng công cụ ChatGPT. Đây chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có chính sách hay quy chế phù hợp. Và để có những chính sách mới thì cần thay đổi triết lý giáo dục và phương pháp đào tạo cũng như đánh giá năng lực. Tuy nhiên, trường cũng như giảng viên không có cách nào để phát hiện sinh viên sử dụng công cụ này nếu sinh viên biết dùng nó một cách hiệu quả như cố tình làm sai hay viết sai một vài yếu tố nhỏ. Nói một cách khác thay vì lấy 10/10 điểm thì lấy 8 hay 9/10 điểm thôi.

Nếu cấm sử dụng thì hệ thống giáo dục cần công cụ phát hiện vi phạm nhưng hiện tại chưa có những công cụ đó. Xưa nay quản lý chất lượng là để loại bỏ chất lượng kém chứ không tìm chất lượng hoàn hảo. Đây sẽ là thách thức lớn nhất cho quyết định cấm sử dụng công cụ AI, đó là phát hiện vi phạm và có bằng chứng không tranh cãi được. Giải pháp này là một ngõ cụt vì công cụ AI sẽ xâm nhập vào mọi góc cạnh của cuộc sống con người sớm hay muộn mà thôi.

Để giải quyết vấn đề thì con người chỉ còn phải biết đánh giá và triển khai giải pháp mà thôi. Nhưng AI chỉ có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà nó có kiến thức. Do đó, con người cần có khả năng phân nhỏ vấn đề phức tạp ra nhiều vấn đề đơn giản hơn mà AI có thể giúp giải quyết. Đây là kỹ năng mà con người có được sau khi đi làm chứ không học ở trình độ đại học ở nhiều nơi.